Chế độ Mẫu hệ của người đồng bào Tây Nguyên

Cập nhật lúc: 09:11 02/04/2020

     Chế độ Mẫu hệ ở hiện vẫn còn tồn tại ở các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như Ê đê, M'Nong, Gia rai, Bana... và một số nhóm dân tộc thiểu số ở Châu Phi. Chế độ Mẫu hệ được quy định người phụ nữ lớn tuổi nhất là người làm chủ gia đình, đưa ra mọi quyết định trong gia đình, các thành viên trong gia đình kể cả người chồng đều phải nghe theo. Con cái khi sinh ra mang theo họ của người mẹ. Khi lớn lên con gái được đi bắt chồng đưa về nhà mình. Khi cha mẹ già con gái chăm sóc, khi cha mẹ mất con gái được thừa hưởng tài sản.

Nữ tù trưởng Yă Wam

     Dù phụ nữ là người đứng đầu, tuy nhiên khi đi ra xã hội, người đàn ông vẫn được cắt cử làm người đại diện đi giao thương buôn bán, họp hành những việc liên quan đến buôn làng. Vậy nên người đàn ông không hề bị "lép vế" trong chế độ Mẫu hệ mà ngược lại họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đối ngoại, còn đối nội sắp xếp gia đình thì phụ nữ là người chịu trách nhiệm. 

     Trong ngôi nhà Dài của người đồng bào Ê đê sẽ có một chiếc ghế Kpan Điêk - ghế chủ nhà đặt trong không gian Ốk, đây là chiếc ghế chỉ dành duy nhất cho người phụ nữ chủ gia đình ngồi, khẳng định vai trò của nữ chủ nhà cũng như quyền lực của phụ nữ. Trên chiếc cầu thang vào nhà Dài, cũng được chạm khắc biểu tượng bầu sữa mẹ, các vị khách khi bước lên nhà phải chạm tay vào bầu ngực bày tỏ lòng tôn trọng với chủ nhà. Những đứa con đứa cháu trong gia đình khi đi học đi làm ăn xa, chạm tay vào bầu ngực để nhắc nhở ra xã hội phải luôn làm đúng làm tốt những điều mẹ dạy. Sức mạnh gia đình là nền tảng làm nên sự giàu có và vững mạnh của dân tộc Ê đê. 

     

Thanh Thảo